ThinkTank.vn
Administrator
Viettel 35 năm lớn lên từ những việc khó
Bài 1: Từ kéo cáp, dựng cột thuê tới làm chủ mạng viễn thông
Ngày 1-6-1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco)-tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập
Trải qua 35 năm, từ một công ty nhỏ bé với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe UAZ và 10 con người, đi làm thuê, xây lắp các công trình cột cao cho các công ty viễn thông và các đài truyền hình, Viettel nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế, công nghệ, công nghiệp quốc phòng quan trọng của đất nước, có thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á. Khởi nguồn cho những thành công ấy đều đến từ việc phải làm, nhận làm và dám làm những việc rất khó, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho
Phải làm việc khó
Sinh ra từ Quân đội, các thế hệ Viettel có một "bộ gene" đặc biệt: Tính kỷ luật, ý chí quyết liệt, tinh thần tiên phong, dám đặt ra những mục tiêu, vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ. Năm 1989, Sigelco được thành lập từ 4 nhà máy của Binh chủng Thông tin liên lạc. 10 con người, xuất thân là lính thông tin, giỏi chuyên môn nhưng chưa một ngày làm kinh doanh, bỗng phải lo công ăn việc làm, lo tiền lương cho anh em, lo hoàn thành những khát vọng được gửi gắm
Tri thức và kinh nghiệm sẵn có, 11 dự án sản xuất thiết bị điện tử sớm đề xuất đã được Nhà nước công nhận ngay. Đó cũng là khởi sự cho giấc mơ về một nền công nghiệp quốc phòng. Nhưng thời điểm đó, việc làm chưa có, lương còn không đủ trả cho nhân viên, tiền đâu làm dự án? Kêu gọi đầu tư không được, tạm gác lại ước mơ tự sản xuất được máy thông tin, xây dựng được nền công nghiệp nặng, Sigelco phải tìm con đường tự nuôi được mình trước, lấy ngắn nuôi dài
Đồng chí Võ Đặng, người "thuyền trưởng" đầu tiên của Viettel và những thành viên Công ty Sigelco (tiền thân của Viettel) vào năm 1990
Kéo cáp, dựng cột là nghề gần với chuyên môn nhất. Nhưng khi ấy cũng có không ít công ty có chức năng tương tự. Sigelco chỉ còn được nhận những công trình phức tạp về địa hình, khó khăn về kỹ thuật, thiếu thốn về tài chính. Cứ công trình nào khó, cột cao, lắp đặt tổng đài thông tin, xây dựng các tuyến vi ba cho bưu điện, đài truyền hình và bất cứ tổ chức nào có nhu cầu mà không công ty nào nhận, với Sigelco đều là cơ hội có được hợp đồng. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã làm nên tên tuổi của Sigelco như tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tuyến vi ba số đầu tiên dài nhất Việt Nam
Khát khao làm việc khó
Kinh nghiệm tích lũy giúp Sigelco trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Ước mơ tự xây dựng được một mạng viễn thông bắt đầu hình thành. Vì thế, Viettel đã dám nhận xây dựng đường trục cáp quang quân sự Bắc-Nam mang tên 1A chỉ từ hai sợi cáp thừa trên đường dây 500kV. Điều kiện ngặt nghèo là phải tìm ra và thực hiện giải pháp thu-phát sóng trên cùng một sợi quang với khoảng cách hơn 2.300km, điều mà thế giới chưa từng làm. Thách thức hơn nữa, để bảo đảm bí mật quân sự, Sigelco không được phép thuê chuyên gia nước ngoài
Được đặt vào thế buộc phải lớn, Viettel đã tự mày mò tìm lối đi. Sách vở, tài liệu không có sẵn, chỉ có cách làm thực nghiệm từng đoạn nhỏ. Hai năm ròng rã thử-hỏng-thử lại, hơn 2.300km cáp quang với những đòi hỏi khắt khe được hoàn thành. Tự lực, không chỉ ứng với dự án 1A mà còn đúng với khát vọng làm viễn thông của Viettel. Khao khát từ những ngày đi làm thuê, ước mơ xây dựng được mạng di động cứ phải gác lại vẫn là vì chưa có tiền
Một cơ hội nhỏ để đến gần với khát vọng làm viễn thông xuất hiện. Công nghệ điện thoại trên nền internet không đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất phù hợp với điều kiện của Viettel lúc đó. Tổng cục Bưu điện với tư tưởng ủng hộ nhân tố mới, phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế với tên gọi VoIP 178. Giá dịch vụ lập tức giảm còn 1/4 so với trước đó
Nhưng, triển khai VoIP 178 không hề đơn giản. Không sở hữu hạ tầng, Viettel phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của đối tác, từ phạm vi kinh doanh đến chất lượng dịch vụ và ngay cả thu cước của khách hàng. Chính thế khó ấy lại khiến Viettel càng khát khao phải làm chủ một hạ tầng viễn thông
Tự chủ để làm việc khó
Khao khát kinh doanh di động, chưa có kinh nghiệm, Viettel dự định đi theo con đường mọi dự án viễn thông di động trước đó phải đi: Liên doanh với đối tác nước ngoài. Ở thế cửa trên, đối tác duy nhất đến từ Australia đưa ra những điều khoản dồn ép đến mức động chạm vào lòng tự trọng của những người Viettel. Theo điều khoản đối tác đưa ra thì họ đầu tư tiền, Viettel góp vốn bằng giấy phép, thị trường, khách hàng là toàn bộ người dân Việt Nam. Nhưng chỉ khi đối tác thu đủ tiền đầu tư 250 triệu USD, họ mới bắt đầu chia lợi nhuận cho Viettel
Với các giải thưởng cho khách hàng sử dụng dịch vụ VoIP 178, Viettel là công ty khởi đầu cho nhiều chương trình khuyến mại, trúng thưởng lớn trên thị trường viễn thông
Không chấp nhận bị dồn ép trên chính sân nhà, Viettel đối diện với bài toán tự xây dựng mạng di động, trong khi vốn của Viettel khi ấy chỉ đủ xây trạm phát sóng di động ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhân sự của Viettel lúc đó cũng chỉ có 100 người với kinh nghiệm chủ yếu là xây lắp công trình viễn thông
Trăn trở, đau đáu với khát vọng làm di động, nên ngay cả một cuộc nói chuyện bên lề hội nghị quốc tế cũng giúp lãnh đạo Viettel tìm ra giải pháp tháo gỡ những nút thắt. Bài toán về vốn đầu tư ít ỏi được giải quyết bằng phương án mua thiết bị trả chậm trong vòng 4 năm. Viettel bé nhỏ khi ấy có thể đàm phán được điều khoản này là nhờ tận dụng được cơ hội từ khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà khai thác không tiếp tục đầu tư thêm nên dư thừa thiết bị đã được sản xuất. 5.000 trạm phát sóng được đặt hàng. Nhưng đó cũng lại là áp lực đặt lên vai Viettel khi phải xây dựng nhanh chóng để đưa vào kinh doanh, có tiền trả nợ
Bài toán về triển khai nhanh được giải quyết bằng phương án xây dựng quy chuẩn trạm điển hình để tổ chức hàng chục đội triển khai đồng loạt trên tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong vòng hai năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% lên 90% vào năm 2007 và hiện tại đã là 130%. Dịch vụ di động vốn bị coi là xa xỉ bỗng trở thành thiết yếu