What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Viettel - Điện Biên Phủ Kinh Tế

ThinkTank.vn

Administrator
Viettel 35 năm lớn lên từ những việc khó

Bài 1: Từ kéo cáp, dựng cột thuê tới làm chủ mạng viễn thông

Ngày 1-6-1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin (Sigelco)-tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) được thành lập

Trải qua 35 năm, từ một công ty nhỏ bé với một dãy nhà cấp 4, một chiếc xe UAZ và 10 con người, đi làm thuê, xây lắp các công trình cột cao cho các công ty viễn thông và các đài truyền hình, Viettel nay đã trở thành một tập đoàn kinh tế, công nghệ, công nghiệp quốc phòng quan trọng của đất nước, có thương hiệu viễn thông giá trị nhất Đông Nam Á. Khởi nguồn cho những thành công ấy đều đến từ việc phải làm, nhận làm và dám làm những việc rất khó, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ chiến lược do Đảng, Nhà nước, Quân đội giao cho

Phải làm việc khó

Sinh ra từ Quân đội, các thế hệ Viettel có một "bộ gene" đặc biệt: Tính kỷ luật, ý chí quyết liệt, tinh thần tiên phong, dám đặt ra những mục tiêu, vượt qua những thách thức chưa từng có tiền lệ. Năm 1989, Sigelco được thành lập từ 4 nhà máy của Binh chủng Thông tin liên lạc. 10 con người, xuất thân là lính thông tin, giỏi chuyên môn nhưng chưa một ngày làm kinh doanh, bỗng phải lo công ăn việc làm, lo tiền lương cho anh em, lo hoàn thành những khát vọng được gửi gắm

Tri thức và kinh nghiệm sẵn có, 11 dự án sản xuất thiết bị điện tử sớm đề xuất đã được Nhà nước công nhận ngay. Đó cũng là khởi sự cho giấc mơ về một nền công nghiệp quốc phòng. Nhưng thời điểm đó, việc làm chưa có, lương còn không đủ trả cho nhân viên, tiền đâu làm dự án? Kêu gọi đầu tư không được, tạm gác lại ước mơ tự sản xuất được máy thông tin, xây dựng được nền công nghiệp nặng, Sigelco phải tìm con đường tự nuôi được mình trước, lấy ngắn nuôi dài

32.jpg

Đồng chí Võ Đặng, người "thuyền trưởng" đầu tiên của Viettel và những thành viên Công ty Sigelco (tiền thân của Viettel) vào năm 1990

Kéo cáp, dựng cột là nghề gần với chuyên môn nhất. Nhưng khi ấy cũng có không ít công ty có chức năng tương tự. Sigelco chỉ còn được nhận những công trình phức tạp về địa hình, khó khăn về kỹ thuật, thiếu thốn về tài chính. Cứ công trình nào khó, cột cao, lắp đặt tổng đài thông tin, xây dựng các tuyến vi ba cho bưu điện, đài truyền hình và bất cứ tổ chức nào có nhu cầu mà không công ty nào nhận, với Sigelco đều là cơ hội có được hợp đồng. Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đã làm nên tên tuổi của Sigelco như tháp truyền hình cao nhất Việt Nam, tuyến vi ba số đầu tiên dài nhất Việt Nam

Khát khao làm việc khó

Kinh nghiệm tích lũy giúp Sigelco trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp viễn thông. Ước mơ tự xây dựng được một mạng viễn thông bắt đầu hình thành. Vì thế, Viettel đã dám nhận xây dựng đường trục cáp quang quân sự Bắc-Nam mang tên 1A chỉ từ hai sợi cáp thừa trên đường dây 500kV. Điều kiện ngặt nghèo là phải tìm ra và thực hiện giải pháp thu-phát sóng trên cùng một sợi quang với khoảng cách hơn 2.300km, điều mà thế giới chưa từng làm. Thách thức hơn nữa, để bảo đảm bí mật quân sự, Sigelco không được phép thuê chuyên gia nước ngoài

Được đặt vào thế buộc phải lớn, Viettel đã tự mày mò tìm lối đi. Sách vở, tài liệu không có sẵn, chỉ có cách làm thực nghiệm từng đoạn nhỏ. Hai năm ròng rã thử-hỏng-thử lại, hơn 2.300km cáp quang với những đòi hỏi khắt khe được hoàn thành. Tự lực, không chỉ ứng với dự án 1A mà còn đúng với khát vọng làm viễn thông của Viettel. Khao khát từ những ngày đi làm thuê, ước mơ xây dựng được mạng di động cứ phải gác lại vẫn là vì chưa có tiền

Một cơ hội nhỏ để đến gần với khát vọng làm viễn thông xuất hiện. Công nghệ điện thoại trên nền internet không đòi hỏi phải đầu tư hạ tầng rất phù hợp với điều kiện của Viettel lúc đó. Tổng cục Bưu điện với tư tưởng ủng hộ nhân tố mới, phá vỡ thế độc quyền trong lĩnh vực viễn thông, Viettel trở thành doanh nghiệp đầu tiên được cấp phép kinh doanh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế với tên gọi VoIP 178. Giá dịch vụ lập tức giảm còn 1/4 so với trước đó

Nhưng, triển khai VoIP 178 không hề đơn giản. Không sở hữu hạ tầng, Viettel phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của đối tác, từ phạm vi kinh doanh đến chất lượng dịch vụ và ngay cả thu cước của khách hàng. Chính thế khó ấy lại khiến Viettel càng khát khao phải làm chủ một hạ tầng viễn thông

Tự chủ để làm việc khó

Khao khát kinh doanh di động, chưa có kinh nghiệm, Viettel dự định đi theo con đường mọi dự án viễn thông di động trước đó phải đi: Liên doanh với đối tác nước ngoài. Ở thế cửa trên, đối tác duy nhất đến từ Australia đưa ra những điều khoản dồn ép đến mức động chạm vào lòng tự trọng của những người Viettel. Theo điều khoản đối tác đưa ra thì họ đầu tư tiền, Viettel góp vốn bằng giấy phép, thị trường, khách hàng là toàn bộ người dân Việt Nam. Nhưng chỉ khi đối tác thu đủ tiền đầu tư 250 triệu USD, họ mới bắt đầu chia lợi nhuận cho Viettel

33.jpg

Với các giải thưởng cho khách hàng sử dụng dịch vụ VoIP 178, Viettel là công ty khởi đầu cho nhiều chương trình khuyến mại, trúng thưởng lớn trên thị trường viễn thông

Không chấp nhận bị dồn ép trên chính sân nhà, Viettel đối diện với bài toán tự xây dựng mạng di động, trong khi vốn của Viettel khi ấy chỉ đủ xây trạm phát sóng di động ở hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Nhân sự của Viettel lúc đó cũng chỉ có 100 người với kinh nghiệm chủ yếu là xây lắp công trình viễn thông

Trăn trở, đau đáu với khát vọng làm di động, nên ngay cả một cuộc nói chuyện bên lề hội nghị quốc tế cũng giúp lãnh đạo Viettel tìm ra giải pháp tháo gỡ những nút thắt. Bài toán về vốn đầu tư ít ỏi được giải quyết bằng phương án mua thiết bị trả chậm trong vòng 4 năm. Viettel bé nhỏ khi ấy có thể đàm phán được điều khoản này là nhờ tận dụng được cơ hội từ khủng hoảng kinh tế thế giới, các nhà khai thác không tiếp tục đầu tư thêm nên dư thừa thiết bị đã được sản xuất. 5.000 trạm phát sóng được đặt hàng. Nhưng đó cũng lại là áp lực đặt lên vai Viettel khi phải xây dựng nhanh chóng để đưa vào kinh doanh, có tiền trả nợ

Bài toán về triển khai nhanh được giải quyết bằng phương án xây dựng quy chuẩn trạm điển hình để tổ chức hàng chục đội triển khai đồng loạt trên tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong vòng hai năm, Viettel đã sở hữu số trạm lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại đã triển khai trong 10 năm trước đó, góp phần đưa mật độ điện thoại ở Việt Nam từ 4% lên 90% vào năm 2007 và hiện tại đã là 130%. Dịch vụ di động vốn bị coi là xa xỉ bỗng trở thành thiết yếu
 
Bài 2: Từ kinh doanh viễn thông tới nghiên cứu, phát triển công nghệ cao

Việc khó đến với Viettel nhiều khi không phải do hoàn cảnh bắt buộc mà bởi lãnh đạo Viettel chủ động chọn việc khó, coi đây như động lực cho sự sáng tạo

Chủ động chọn việc khó

Từ thế bị động bị đẩy vào việc khó, sau này, Viettel chủ động chọn việc khó. Năm 2006, khi mới kinh doanh viễn thông được hai năm, Viettel lại tự chọn một việc khó khác là đầu tư ra nước ngoài. Nhiều người cho đó là một bước đi mạo hiểm khi ngay tại sân nhà, Viettel còn chưa đứng vững. Một thị trường Việt Nam với hơn 84 triệu dân, tỷ lệ thâm nhập viễn thông lúc ấy còn chưa cao, dư địa phát triển còn dồi dào là điểm đến hấp dẫn của bất cứ nhà đầu tư nào

Vậy tại sao Viettel lại đầu tư ra nước ngoài? Tiền đầu tư xây dựng mạng lưới ở thị trường Việt Nam vẫn còn đang phải trả chậm, nguồn vốn đâu để Viettel lại tiếp tục đầu tư sang Campuchia và Lào? Nhân sự của Viettel cũng mới chỉ chuyển từ mảng xây dựng sang làm kinh doanh, còn đang học hỏi từ cách xây dựng gói cước, chăm sóc và phục vụ khách hàng, làm sao có thể đi ra thị trường nước ngoài với sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, pháp lý?

6456f456da0d7845ddecadeef52cd2ea3342749pm.jpg

Các kỹ sư Viettel nghiên cứu, phát triển những thiết bị của mạng viễn thông 5G

Từ láng giềng Campuchia, Lào rồi bước sang Haiti, Mozambique, Đông Timor, Burundi, Tazania, Peru và mới nhất là Myamar. Viettel lần lượt bước chân vào các quốc gia châu Á, châu Mỹ Latin đến châu Phi, cạnh tranh với những đối thủ sừng sỏ đứng tốp đầu trên thị trường viễn thông thế giới. Tinh thần, kỷ luật, ý chí quyết tâm của những người lính đã khiến Viettel không lùi bước. Nhiều kỳ tích đã được tạo ra ở các quốc gia Viettel đến đầu tư

Sau 15 năm từ khi khai trương thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel đã trở thành nhà đầu tư quốc tế chuyên nghiệp, đứng số 1 ở 7/10 thị trường quốc tế. Doanh thu từ hoạt động đầu tư nước ngoài đạt hơn 3 tỷ USD (năm 2023), duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới, đem lại nguồn thu ngoại tệ hằng năm chuyển về Việt Nam lên tới 500 triệu USD

Thành công của Viettel không chỉ thể hiện bằng hiệu quả kinh tế mà còn là tình cảm của bạn bè thế giới dành cho doanh nghiệp Việt Nam, đất nước, con người Việt Nam với cách kinh doanh đầy trách nhiệm, nhân văn

Việc khó là động lực sáng tạo của Viettel

Đang rất thành công với viễn thông, Viettel quyết định chuyển dịch thành nhà cung cấp dịch vụ số. Từ đó, Viettel tập trung nguồn lực cho việc phát triển các nền tảng và sản phẩm công nghệ

Thị trường có hàng chục nghìn công ty công nghệ, muốn tất cả cùng phát triển, Viettel chọn lối đi riêng, đó là đầu tư hạ tầng, cho thuê dịch vụ và "may đo" theo nhu cầu của từng khách hàng. Không tham gia vào những sản phẩm, nền tảng số đã có doanh nghiệp làm tốt, Viettel lựa chọn những cái khó ít người có khả năng đầu tư. Vai trò của một tập đoàn kinh tế lớn, Viettel thấy trọng trách của mình trong việc tiên phong và chủ lực xây dựng các nền tảng số quốc gia

6 lĩnh vực mà Viettel xác định sẽ tập trung triển khai để hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam đó là: Hạ tầng số, tài chính số, giải pháp số, nội dung số, an ninh mạng và nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao

Nền tảng hạ tầng số với hàng trăm nghìn ki-lô-mét cáp quang đủ để quấn 9 vòng quanh trái đất đã được xây dựng. Tài chính số chỉ sau hai năm ra mắt, hệ sinh thái Viettel Money với hơn 24 triệu người dùng, chiếm 32% thị phần ví điện tử, 60% thị phần tiền di động. Nền tảng TV 360 sau hai năm ra mắt đứng vị trí số 1 về ứng dụng truyền hình số của Việt Nam. Hàng loạt nền tảng, giải pháp số cho chính phủ, giáo dục, y tế, giao thông, doanh nghiệp lần lượt được đưa vào vận hành. Lực lượng an ninh mạng tinh nhuệ tạo ra chiếc khiên vững chắc bảo vệ sự an toàn trên không gian số. Tất cả đang dần hiện thực hóa khát vọng kiến tạo xã hội số ở Việt Nam

Việc khó giờ đã trở thành động lực sáng tạo cho Viettel. Bởi vậy, cùng với quá trình đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã bắt đầu một việc khó khác, đó là dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất-một khát vọng được ấp ủ từ thuở hàn vi

Đối diện với những hoài nghi về việc người Việt Nam có thể làm chủ nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao, Viettel lựa chọn lĩnh vực mình có hiểu biết nhiều nhất là thiết bị thông tin quân sự. Sau đó tiếp tục mở rộng dần ra các khí tài, trang thiết bị quân sự khác như hệ thống quản lý vùng trời quốc gia, radar, máy bay không người lái... Những thành quả ban đầu đầy khích lệ khiến Viettel quyết tâm sản xuất vũ khí chiến lược công nghệ cao nhằm bảo vệ nền hòa bình của đất nước

Nghiên cứu, sản xuất vũ khí quân sự vốn là bí mật của mỗi quốc gia. Bởi vậy, Viettel hiểu rằng không thể trông đợi việc chuyển giao công nghệ cũng như không thể hợp tác, liên doanh. Không chỉ với quân sự, ngay cả đối với các thiết bị dân sự như thiết bị mạng viễn thông, công nghệ bán dẫn ... bài toán tự phải làm tiếp tục được đặt ra. Lại là những năm tháng tự nghiên cứu, tự thử nghiệm, tự vượt qua chính mình. Thách thức còn lớn hơn nữa khi thế giới trải qua hai năm Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine. Chuỗi cung ứng đứt gãy trên toàn cầu, nguyên vật liệu khan hiếm vẫn không làm nản lòng và ý chí của những người lính Viettel

Khởi sự từ năm 2007, sau 17 năm, Viettel đã có hơn 50 chủng loại sản phẩm thuộc 10 ngành vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao theo mô hình tác chiến hiện đại nhất trên thế giới, phù hợp với nhu cầu sử dụng, điều kiện tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam, một số có tính năng chiến-kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn so với sản phẩm cùng loại trên thế giới, bảo đảm tính bảo mật, tự chủ trong sản xuất, góp phần đáng kể nâng cao tiềm lực quân sự, quốc phòng

Viettel cũng khiến thế giới sửng sốt khi công bố bảng mạch và chip 5G tại triển lãm viễn thông lớn nhất thế giới MWC. Càng bất ngờ hơn khi Viettel đang là nhà mạng duy nhất trên thế giới sản xuất được thiết bị viễn thông. Viettel cũng đưa Việt Nam trở thành một trong 6 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ 5G

Từ một đội quân lao động sản xuất của Quân đội, Viettel giờ đã trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu với sứ mệnh quốc gia, dân tộc. Cuộc hành trình của Viettel được dựng nên từ khát vọng, đam mê, nỗ lực và cả sự dấn thân. Có lẽ cái khó nhất là Viettel luôn dũng cảm, chủ động thay đổi khi tổ chức đang rất ổn

Nhìn lại chặng đường đã qua, cứ mỗi 10 năm, Viettel lại có sự chuyển mình về chất và lượng. Và sự chuyển mình ấy đều đến từ việc dám nhận những việc khó tưởng chừng như không thể vượt qua. Để phát triển, Viettel sẽ lại tiếp tục những khát vọng mới, nhận những nhiệm vụ mới, khó hơn, thách thức hơn, vượt qua giới hạn của mình. Nghĩ lớn, đặt mục tiêu xa, gánh trọng trách quốc gia với tư duy toàn cầu, đó là con đường mà Viettel chọn, bằng cả trái tim và khối óc
 
Bài 3: Chất gây “cháy” cho thế hệ trẻ

Những bài toán khó, yêu cầu khắt khe của Viettel là chất kích thích để những bạn trẻ ở thế hệ GenZ (cách gọi cho những người ra đời trong giai đoạn 1995-2012) “cháy” hết mình, nghiên cứu ra các sản phẩm công nghệ cao trước đây không ai nghĩ người Việt Nam có thể làm được

Tuổi nhỏ làm... việc lớn

Nguyễn Phúc Khánh, kỹ sư phần mềm nhúng, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, là một trong những tân binh trong ngôi nhà chung Viettel. Mới ra trường, Khánh được giao nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển khối tự lái cho máy bay không người lái (UAV). Tiếp xúc với công việc đặc biệt, Khánh gặp nhiều thách thức, nhưng đúng đam mê cậu theo đuổi từ khi học Điều khiển tự động tại Đại học Bách Khoa Hà Nội

“Em rất yêu thích và trân trọng công việc của mình, vì với việc nghiên cứu, phát triển và đưa ra sản xuất những khí tài công nghệ cao, Viettel đã và đang đóng góp cho sự phát triển ngày một lớn mạnh của nền công nghiệp quốc phòng, để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc”, Phúc Khánh chia sẻ

1%205.jpg

Công Linh đại diện nhóm nghiên cứu nhận Giải Sao Khuê

Ở Viettel, những bạn trẻ như Khánh ngày càng nhiều. Đỗ Anh Dũng, sinh năm 2003-sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội-đang thực tập tại Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã vô địch thế giới ở một giải thưởng lớn. Năm 2023, Dũng được chọn vào đội hình của Công ty đi thi đấu Pwn2Own. Đây là giải đấu tấn công mạng lớn nhất thế giới, quy tụ nhiều cao thủ bảo mật hàng đầu trực tiếp so tài với lực lượng an ninh của hãng công nghệ lớn nhất để kiểm tra mức độ an toàn của các sản phẩm phổ biến. Lần đầu tham gia, Dũng muốn “làm gì đó khác biệt”, nên chọn luôn sản phẩm của Oracle nổi tiếng để tấn công. Trước sự phòng thủ của đội kỹ thuật từ Oracle, hệ thống vẫn bị Dũng “đục lỗ” thành công, đem lại số điểm lớn cho đội VCS, góp phần làm tạo nên chức vô địch Pwn2Own năm 2023

Đây là lần đầu một công ty an ninh mạng Việt Nam đứng nhất toàn đoàn tại cuộc thi tấn công mạng lớn nhất thế giới. Đội Viettel đã đạt điểm tuyệt đối tại 7/7 hạng mục, với số điểm 30, cách biệt với đội đứng thứ nhì là 12,75 điểm và trở thành nhà vô địch thế giới một cách thuyết phục. Với điểm số này, VCS xác lập ngôi vị vô địch trước nhiều "đối thủ" quốc tế sừng sỏ như: Sea security (Singapore), Vupen, Synacktiv (Pháp) và Devcore của Đài Loan (Trung Quốc)-đội vô địch năm 2022...

“Vì lần đầu em tham gia nên cứ chơi hết mình, có lỗi thì cũng không sao, nhưng may mắn cả đội đã giành ngôi vô địch”, Đỗ Anh Dũng nói. Cùng đội với Dũng là 13 chàng trai khác, hầu hết đều ở độ tuổi GenZ. Lớn tuổi nhất là 34, trẻ nhất là 20 tuổi

Cũng tham gia Viettel từ tháng 5-2022 khi còn là sinh viên, Trần Huy Hoàng gia nhập team phát triển sản phẩm Bản sao số Viettel Social Digital Twin (VSDT). Đối mặt thử thách đầu đời với công nghệ tái tạo bản sao số phức tạp hàng đầu thế giới. Mỗi ngày, Hoàng chỉ ngủ 3-4 tiếng, thời gian còn lại dành cho đam mê nghiên cứu công nghệ. Sau 9 tháng, kỹ sư phần mềm sinh năm 1999 nhanh chóng được tin tưởng, đại diện Viettel giới thiệu sản phẩm này tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023

Cơ hội chứng minh năng lực, được làm việc trong môi trường sáng tạo, đánh giá và ghi nhận xứng đáng... là những nhân tố được nhiều nhân sự trẻ ở Viettel yêu thích. Là một tập đoàn công nghệ toàn cầu, những bài toán của Viettel thường có quy mô lớn, kèm theo đó là những yêu cầu khắt khe về đầu vào. Nếu các bạn trẻ thực sự đam mê và xuất sắc, có những cơ hội công việc thực sự “ngầu” chỉ có ở Viettel

Khi đã đam mê, có dự án do chính các bạn trẻ tự tin tìm hiểu, đề xuất. Chính công cụ nhận diện cảm xúc khách hàng Call Monitor được một nhóm bạn trẻ GenZ, sinh năm từ 1995 đến 1999 phát triển. Trưởng nhóm là Nguyễn Văn Công Linh sinh năm 1997, gia nhập Viettel Telecom từ năm 2020. Ứng dụng công nghệ Deep Learning, Machine Learning vào phân tích giọng nói, Call Monitoring tự động kiểm soát hàng trăm nghìn cuộc gọi mỗi ngày, tiết kiệm công sức của điện thoại viên và quản lý. Ứng dụng cũng đã đạt Giải thưởng Sao Khuê 2022 cho lĩnh vực "Các sản phẩm, giải pháp phần mềm mới"

2%201.jpg

Trần Huy Hoàng (trái) giới thiệu sản phẩm bản sao số VSDT tại Hội nghị di động thế giới 2023

Khát vọng và cơ hội

Để chuẩn bị lực lượng trẻ, Viettel đã có những chương trình hợp tác với nhiều trường đại học, hỗ trợ bằng các chương trình thực tập sinh hoặc học bổng thạc sĩ. Các bạn trẻ thực tập sẽ được chính những chuyên gia hàng đầu của Viettel trực tiếp tư vấn, huấn luyện, dần từng bước tham gia các dự án lớn của Viettel

Điểm nổi bật thứ hai được thể hiện qua câu chuyện của Khánh, Dũng, Hoàng, Linh tất cả đều có chung một điểm: “Được các anh chị ở Viettel nhiệt tình chỉ bảo, nên bắt nhịp rất nhanh”. Để các bạn trẻ tiếp cận bài toán lớn và thử sức, nhưng không bao giờ cô đơn tự tìm tòi. Sự hướng dẫn, chia sẻ, giám sát kịp thời từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp các bạn trẻ luôn tìm được đích đến cần thiết sau những nỗ lực tự vận động

Đầu tư cho con người là giải pháp hàng đầu tạo sự khác biệt của Viettel. Cơ hội được đào tạo thông qua tham gia nghiên cứu chuyên sâu, được làm việc với những chuyên gia an ninh mạng vừa đoạt giải nhất tại Pwn2Own chính là lý do khiến cho VCS trở thành nơi làm việc hấp dẫn. Khi được hỏi vì sao chọn Viettel, Ngô Anh Huy, thành viên đội thi Pwn2Own Viettel, nói: "Từ kinh nghiệm của tôi, không nhiều công ty sẵn sàng đầu tư dài hạn cho nghiên cứu an ninh mạng và các nhóm nghiên cứu như Viettel"

Ngay bên trong Viettel, luôn có những sân chơi để các bạn trẻ thể hiện sự sáng tạo của mình. Innovative Me để chia sẻ về những ý tưởng sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ mới chưa từng có tại Viettel và Việt Nam. Happy time, Happy day, Ngày sáng tạo... luôn là những khoảnh khắc để từng người có khoảng thời gian tư duy, làm sáng tạo trong chính công việc hằng ngày của mình

Chia sẻ về công việc, phần lớn các bạn trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tại Viettel đều cảm thấy vui bởi muốn thể hiện bản thân cần có khát vọng và cơ hội. Ở Viettel có cả 2 điều đó. Bên cạnh cơ hội trong núi việc “khó không tưởng”, còn có cả những người dẫn đường, đồng nghiệp đủ tài năng đồng hành. Và công việc của các bạn trẻ là “cháy” hết mình. Cũng vì những lý do đó, Viettel trở thành nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất cho các bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực công nghệ trong nhiều năm gần đây
 
Bài 4: Nỗ lực bảo vệ Tổ quốc từ khát vọng làm chủ công nghệ lõi

Nhận trọng trách là hạt nhân của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) công nghệ cao, Viettel đã mạnh dạn tiến vào lĩnh vực đầy thách thức, đó là tự chủ nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia. Đây là một việc khó trước đây nằm ngoài tầm với của doanh nghiệp Việt Nam

Bắt đầu từ con số 0

Năm 2010 đánh dấu Viettel chính thức tham gia vào lĩnh vực CNQP, với việc bắt tay vào nghiên cứu hệ thống cảnh giới vùng trời. Khi đó, trên thế giới chỉ có 8 nước sở hữu các tổ hợp CNQP lớn có năng lực thực hiện. Sau 14 năm, lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao giờ đã là một trụ cột phát triển của Tập đoàn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam” ra đời

Khát vọng của Viettel khi dấn thân vào lĩnh vực CNQP là góp phần bảo vệ đất nước, phục vụ Quân đội. Đóng góp vào sứ mệnh này phải kể đến vai trò của các đơn vị: Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), Tổng công ty Sản xuất Thiết bị Viettel (VMC-sáp nhập từ hai công ty M1 và M3) và Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX)

Hợp nhất từ các trung tâm nghiên cứu trước đó, VHT hiện là đơn vị chủ chốt của Tập đoàn trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao ở lĩnh vực quân sự, dân sự và viễn thông, với 50 chủng loại sản phẩm quân sự trong 10 lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Đứng trong danh sách 80 doanh nghiệp công nghệ quốc phòng trên toàn thế giới năm 2030 là tầm nhìn Tập đoàn Viettel giao phó cho VHT

Để chứng minh được năng lực, đội ngũ kỹ sư của Công ty đã trải qua cả một quá trình tận hiến, trăn trở tìm cách vượt qua hàng loạt thách thức. Quay trở lại năm 2015, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi ấy là Đại tướng Phùng Quang Thanh đã giao nhiệm vụ tới lãnh đạo Tập đoàn Viettel nghiên cứu hệ thống ra-đa quản lý bờ biển để trang bị cho Quân chủng Hải quân. Khi đó, hiểu biết, kinh nghiệm của các kỹ sư VHT về vấn đề này đều là con số 0: Chưa từng nghiên cứu hệ thống tương tự và không hề có tài liệu tham chiếu, hiểu biết về thực địa cũng rất hạn chế

2tohopdairadarvaquangdientu58833634pm.jpg

Tổ hợp đài ra-đa và quang điện tử do Viettel nghiên cứu, phát triển với khả năng phát hiện, bắt bám những mục tiêu cực nhỏ

Tổng giám đốc VHT Nguyễn Vũ Hà nhớ lại về cảm hứng mà đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (lúc ấy là Tổng giám đốc Viettel, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tạo nên khi đặt ra một loạt câu hỏi dồn dập cho nhóm đề tài là các kỹ sư trẻ: “Phần ăng ten chúng ta làm được không?”; “Phần thu, phát làm được không?”; “Phần xử lý tín hiệu làm được không?”. Câu trả lời đều là: “Có thể làm được”. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng hỏi tiếp: “Vậy tại sao các em lại sợ? Nếu việc xử lý tín hiệu còn những khó khăn thì anh cho phép các em đi khắp thế giới để xem người ta làm bằng cách nào”

6 tháng tiếp theo, cả nhóm bám bờ biển liên tục, vừa phát sóng trực tiếp vừa hiệu chỉnh sản phẩm. Trước khi có sản phẩm hoàn thiện cuối cùng, đã có 36 phiên bản được thiết kế để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra. Ngày nay, hệ thống đài ra-đa cảnh giới bờ biển sinh ra từ những ngày lăn lộn với thực tiễn đó đã được VHT trang bị tới 5 Vùng Hải quân, trở thành con mắt canh biển Việt Nam

Đại tá Ngô Thành Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án VQ2 nhấn mạnh, sự trưởng thành trong nghiên cứu khí tài của VHT ngày hôm nay khẳng định niềm tin của Đảng và Nhà nước dành cho Viettel là đúng đắn. Minh chứng tiêu biểu là hai công trình thuộc lĩnh vực quân sự do tập thể cán bộ, kỹ sư, nhân viên VHT nghiên cứu đã vinh dự đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ năm 2022

Những trang thiết bị quân sự “Make in Vietnam” sản xuất bởi người lính Viettel dần vươn tầm khu vực. Hai năm qua, tham gia các triển lãm quân sự hàng đầu thế giới tại Ba Lan, Thái Lan (năm 2023) và Malaysia (năm 2024) với vai trò gian hàng quốc gia Việt Nam, VHT bắt đầu con đường trở thành nhà kinh doanh CNQP trên thị trường quốc tế

Tháng 4-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến làm việc tại Viettel đã đánh giá cao những bước phát triển đột phá trong hoạt động nghiên cứu sản xuất CNQP công nghệ cao của Tập đoàn thời gian qua. Thủ tướng yêu cầu Viettel phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Viettel cần phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn hiệu quả và phong phú hơn

Đến làm chủ công nghệ lõi

Được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quan trọng của đất nước, VTX là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số vũ khí chiến lược cho Quân đội nhân dân Việt Nam

Ban đầu, nhiệm vụ giao cho VTX về phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao bị coi là không khả thi, khả năng thành công rất thấp. Hàng không vũ trụ là lĩnh vực còn mới và phức tạp, chi phí đắt đỏ, lại đòi hỏi công nghệ và trình độ cao. Việc tiếp cận công nghệ trong lĩnh vực này cũng vấp phải vô số trở ngại, bởi tính bảo mật cao, các quốc gia không chuyển giao

3uavviettel81433822pm.jpg

UAV do Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) sản xuất được đánh giá cao

Để đạt được thành công trong lĩnh vực đầy khó khăn và thử thách này, điều cốt lõi là phải chọn được hướng đi đúng và cách làm phù hợp. “Đó là làm chủ được thiết kế hệ thống, làm chủ tích hợp hệ thống và làm chủ các công nghệ lõi của sản phẩm”, Thượng tá Vũ Tuấn Anh, Viện trưởng VTX nhấn mạnh

Về cách làm, VTX xác định đi từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó; dùng các công nghệ tiên tiến của thế giới như mô hình mô phỏng, sử dụng hệ thống siêu máy tính. Cách làm này vừa góp phần tăng số lần thử nghiệm, rút ngắn quá trình nghiên cứu, đồng thời tối ưu chi phí. Thành tích xuất sắc của VTX được ghi nhận bằng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2022

Cùng với VHT và VTX, VMC cũng tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế, sản xuất trang thiết bị, khí tài thông tin liên lạc quân sự, tác chiến điện tử và ra-đa, máy tính chuyên dụng; sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ bảo đảm kỹ thuật khí tài thông tin liên lạc và phục vụ các dự án quân sự, quốc phòng. Đến nay, các trang thiết bị quân sự như mô phỏng xe tăng, mô phỏng Su-30, thiết bị trinh sát ảnh nhiệt, quang điện tử tầm xa... đã khẳng định tinh thần “chủ động-sáng tạo-tự lực-tự cường” của Viettel trong nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tích hợp các sản phẩm công nghệ cao phục vụ CNQP và hàng không vũ trụ, nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo đảm cho thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Minh Hà - Diệu Linh
 
Mozambique bàn bạc chiến lược phát triển công nghệ với Viettel

Viettel là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam mà Tổng thống Mozambique lựa chọn để bàn bạc chiến lược quan trọng về phát triển công nghệ


Một quốc gia châu Phi bàn bạc chiến lược quan trọng về phát triển công nghệ với Viettel- Ảnh 1.
Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi tại buổi làm việc

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, tại buổi thăm và làm việc tại Tập đoàn Viettel ngày 10/9/2024, Tổng thống Mozambique Filipe Jacinto Nyusi mong muốn Viettel hỗ trợ Mozambique đào tạo những tài năng trẻ trở thành những chuyên gia công nghệ có năng lực làm việc toàn cầu. Đồng thời, mong muốn Viettel hỗ trợ việc đảm bảo an ninh quốc gia thông qua hệ thống viễn thông

Viettel là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam mà Tổng thống Mozambique lựa chọn để bàn bạc chiến lược quan trọng về phát triển công nghệ. Đây cũng là nguyên thủ quốc gia thứ 2 đến thăm và làm việc với Viettel từ đầu năm, coi Viettel là đối tác chiến lược

Tại buổi làm việc, Tổng thống Filipe Jacinto Nyusi phát biểu: "Việt Nam và Mozambique đã chọn viễn thông là lĩnh vực hợp tác tiêu biểu. Chúng tôi xác định tầm quan trọng của việc nghiên cứu và triển khai các dự án công nghệ cao, các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số. Và Movitel đã đáp ứng được yêu cầu này bên cạnh tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận"

Một quốc gia châu Phi bàn bạc chiến lược quan trọng về phát triển công nghệ với Viettel- Ảnh 2.
Đoàn công tác của Chính phủ Mozambique thăm Tập đoàn Viettel

Tập đoàn Viettel đầu tư tại Mozambique từ năm 2012, với thương hiệu Movitel, được mệnh danh là "Điều kỳ diệu của châu Phi" khi phổ cập tại 97% khu vực nông thôn, đưa đất nước này trở thành quốc gia có hạ tầng viễn thông lớn thứ 3 tại châu Phi. Movitel cung cấp miễn phí đường truyền internet cho hơn 2.500 trường học trên cả nước

Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng chính phủ điện tử cho Văn phòng Quốc hội Mozambique và một số cơ quan nhà nước khác

Bên cạnh đó, Movitel cũng góp phần phổ cập dịch vụ tài chính số cho người dân quốc gia này, khi tỷ lệ khách hàng sử dụng ví điện tử trên tổng số khách hàng sử dụng di động của Movitel đạt 81%

"Với sự đầu tư mạnh mẽ của Viettel và sự hỗ trợ to lớn của Tổng thống và Chính phủ Mozambique, Movitel sẽ thành công hơn nữa để chuyển dịch từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thuần tuý trở thành công ty viễn thông-công nghệ hàng đầu, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đất nước và người dân Mozambique", Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhấn mạnh tại buổi làm việc
 
Top