ThinkTank.vn
Administrator
FPT - Điện Biên Phủ Kinh Tế
Vừa trở về từ Davos, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đã chia sẻ với Báo Đầu tư về “chân trời tiếp theo” của Việt Nam, về giấc mơ lớn mà FPT đang nuôi dưỡng, sau khi đã thành công trong hành trình “từ tay trắng đến tập đoàn toàn cầu”. FPT đang tiếp tục nỗ lực đưa trí tuệ Việt ra thế giới, góp phần hưng thịnh quốc gia. Hà Nguyễn thực hiện
Ông vừa trở về từ Davos, nơi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng thảo luận, chia sẻ với các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu về “Chân trời tiếp theo” và “Định hướng tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam. Ở góc nhìn của ông, ông nghĩ thế nào về “chân trời tiếp theo” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam?
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Thủ tướng Chính phủ đã thảo luận với hàng loạt tập đoàn lớn trên thế giới về cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, công nghệ ô tô. Tất cả đều có chung nhận định rằng “Việt Nam là điểm đến mới”
Thực sự mà nói, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo WEF, các tập đoàn đa quốc gia đánh giá rất cao vai trò, vị thế quốc tế cũng như những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam. Nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch WEF - Klaus Schwab nói rằng, Việt Nam không chỉ là một “ngôi sao đang lên” ở khu vực Đông Nam Á, mà còn đang trong quá trình chuyển đổi thành một quốc gia có ảnh hưởng kinh tế ở tầm thế giới
Điều này cho thấy, Việt Nam sẽ có những động lực tăng trưởng mới. Và theo góc nhìn của cá nhân tôi, thì động lực tăng trưởng mới, “chân trời tiếp theo” và “tầm nhìn toàn cầu” của Việt Nam đó chính là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và công nghệ AI, bán dẫn. Đây là những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới, sánh vai các cường quốc năm châu vào năm 2045 - năm kỷ niệm 100 năm thành lập nước
Việt Nam không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm có một mà lịch sử đã đặt vào tay mình. Trong đó, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành này
Chúng ta vừa nhắc tới câu chuyện “tầm nhìn toàn cầu” của đất nước. Còn ở góc độ doanh nghiệp, phải nói rằng, FPT đã có tầm nhìn toàn cầu từ 25 năm trước, khi bắt đầu bước ra thế giới để xuất khẩu phần mềm, để đến hôm nay, đã đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài. Trong suốt 1/4 thế kỷ vừa qua, FPT đã thực hiện hành trình tỷ USD này như thế nào, thưa ông?
Với chúng tôi, 1 tỷ USD không phải là con số mà là cả tuổi thanh xuân, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất đời tôi
25 năm trước, chúng tôi đã nuôi một ước mơ, đó là “dẫu nghèo kiến thức sản xuất, dẫu chưa thông thạo ngoại ngữ, chúng ta quyết chí ra biển lớn xuất khẩu phần mềm với niềm tin sẽ làm sáng danh trí tuệ Việt Nam”. Ước mơ ấy đã thành hiện thực
Quả thực, chúng tôi cũng không có một lộ trình cụ thể nào được định sẵn từ trước cho con số 1 tỷ USD đó, mà chỉ có một quyết tâm, ý chí cháy bỏng đó là đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới, góp phần hưng thịnh quốc gia
Giai đoạn đầu, thứ mà chúng tôi nhận được chỉ là thất bại, thất bại và thất bại. Liên tiếp đóng cửa hai văn phòng tại Ấn Độ và Mỹ trong vòng chưa đầy hai năm. Doanh số thu về không bằng số tiền đầu tư. May mắn chỉ đến với chúng tôi khi gặp ông Nishida, nguyên Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Ông đã đồng cảm với tôi về ý tưởng “Thác số - Cầu vượt”. Đó là sẽ có một dòng thác số là lượng các hợp đồng dịch vụ trí tuệ, cũng như lượng chuyển giao tri thức, thông tin, công nghệ chảy từ chỗ cao, các nước phát triển sang các thung lũng phần mềm tại các nước đang phát triển. Độ trũng của các thung lũng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào hai thông số chính là mức chênh lệch về trình độ kinh tế giữa các nước và số lượng lập trình viên quốc tế của nó. Độ trũng càng sâu, thác số càng chảy mạnh. Đây chính là cơ hội chưa từng có để đưa Việt Nam lên đỉnh cao vinh quang trên trường quốc tế
Cuộc gặp với ông Nishida là “cuộc gặp may mắn của số phận”. Ông Nishida đã khuyên chúng tôi nên sang Nhật Bản, đồng thời tận tình giúp đỡ, thu xếp các cuộc gặp gỡ với rất nhiều đối tác Nhật. Thậm chí, khi biết chúng tôi chỉ có 2 người tham gia các cuộc gặp gỡ với đối tác để tiết kiệm chi phí, ông đã bố trí thêm 3 người nữa đi cùng để đoàn chúng tôi không bị “lép vế” trước đối tác
Cuối cùng, cũng có một khách hàng là NTT-IT cảm nhận được nhiệt huyết của chúng tôi và gửi email hỏi FPT có muốn làm thử hay không. Người Nhật Bản sẽ chọn bạn, nếu thấy bạn thực sự quyết tâm
Từ thành công của thị trường Nhật Bản, chúng tôi quay lại Mỹ, và thành công nối tiếp thành công. Đến nay, FPT đã có mặt ở 30 quốc gia, có hơn 1.000 khách hàng, trong đó có gần 100 khách hàng đứng trong Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Rồi chúng tôi thực hiện các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) các công ty công nghệ tại những thị trường phát triển nhất, như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu
Giờ đây, chúng tôi là đối tác quan trọng của các tập đoàn lớn và trọng yếu nhất như Airbus, SAP, RWE… Thay vì phải đi “xin việc”, giờ đây, các tập đoàn lớn đã tìm đến FPT để triển khai những hợp đồng dịch vụ phần mềm quy mô hàng trăm triệu USD
Tôi còn nhớ, gần 10 năm trước, cũng trong một cuộc phỏng vấn ở văn phòng của ông như thế này, ông đã chia sẻ về những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lúc ấy, ông đang chuẩn bị tham dự Hội nghị Davos và nói về chuyện săn cá voi, về việc hợp tác với những người khổng lồ, về việc chúng ta có đang cùng có xuất phát điểm như họ nên nếu biết chớp thời cơ thì sẽ tăng tốc phát triển. Với những gì đã đạt được mà ông vừa kể trên, có vẻ như, FPT đã thành công trong chiến lược “săn cá voi” và “đứng trên vai người khổng lồ”?
Năm 2012, FPT lần đầu tiên tham dự WEF tại Davos. Lịch làm việc của tôi kín đặc với hơn 30 cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo và quan chức cấp cao của các tập đoàn, tổ chức trên thế giới. Chúng tôi hiểu, muốn toàn cầu hóa bằng con đường công nghệ thì những cuộc gặp như thế này là rất quan trọng đối với FPT ở giai đoạn đó cũng như trong tương lai. Từ đó, cứ thế, năm nào tôi cũng dự Davos và có hàng chục cuộc gặp gỡ như vậy
Năm 2016, WEF bàn về câu chuyện cách mạng công nghiệp 4.0. FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và đặt ra mục tiêu chiến lược là đồng hành cùng các tập đoàn sở hữu công nghệ nền, tiên phong chuyển đổi số. Chính chiến lược này đã giúp chúng tôi tiếp cận với những tập đoàn toàn cầu có quy mô doanh thu cỡ vài chục tỷ USD mà chúng tôi gọi là “cá voi”
Airbus - một trong 2 tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đã chọn chúng tôi là một trong 5 đối tác cùng họ xây dựng nền tảng dữ liệu hàng không mở trên phạm vi toàn cầu - Skywise, để giúp họ kiểm soát tất tần tật các quy trình bay, từ lập kế hoạch, sắp xếp đoàn bay, hoạt động của máy bay từ lúc grounding (trên mặt đất), take off (cất cánh), on air (trên không)… Có thể tự hào nói rằng, FPT là một trong những công ty hiếm hoi có thể cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho cả hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Trên mỗi chuyến bay bất kỳ, đều có dòng code của FPT
Hay câu chuyện với SAP. Toàn Đông Nam Á hiện nay chỉ có 3 công ty có đủ năng lực trở thành Đối tác dịch vụ chiến lược cấp khu vực (RSSP) của SAP và FPT là một trong số đó. FPT triển khai hệ thống mới SAP Public Cloud trên phạm vi 15 quốc gia cho một công ty công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản, chiếm 70% thị phần thế giới của hệ thống SEM đo lường khoảng cách (CD-SEMs). Dự án này cũng đã gây tiếng vang trong hiệp hội doanh nghiệp sử dụng SAP (JSUG) ở Nhật Bản. Đây cũng là dự án triển khai toàn cầu thành công nhất trong lịch sử của SAP cho khách hàng Nhật Bản
Chúng tôi còn rất, rất nhiều dự án như thế trong những công nghệ hiện đại bậc nhất với những tập đoàn “cá voi” tại Hàn Quốc, tại châu Âu, châu Mỹ và toàn cầu. Chúng tôi đã “đứng trên vai người khổng lồ” để đạt được những thành công như hôm nay, mà một trong số đó, chính là đạt 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin ở thị trường nước ngoài vào cuối năm 2023
Vâng, một lần nữa xin chúc mừng dấu mốc quan trọng này trong hành trình 35 năm phát triển của FPT. Dấu mốc này ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của FPT nói riêng, và ngành công nghệ thông tin Việt Nam nói chung, thưa ông?
Đầu tiên, đó là chúng tôi đã gia nhập sân chơi của nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD toàn cầu, đủ năng lực để làm chủ, triển khai các hợp đồng quy mô trăm triệu USD và đã có những sản phẩm phần mềm cạnh tranh với thế giới. Chẳng hạn, chúng tôi có akaBot - nền tảng tự động hóa quy trình doanh nghiệp, đang hỗ trợ 3.900 doanh nghiệp ở 16 lĩnh vực tại 21 quốc gia trên toàn cầu, hay có FPT.AI, với 200 triệu lượt sử dụng/tháng tại 20 quốc gia trên toàn cầu
Còn với ngành công nghệ thông tin, chúng tôi đã đi một chặng đường dài, cùng với các doanh nghiệp công nghệ Việt khác góp phần ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới. Việt Nam đang đứng thứ 2 về ủy thác dịch vụ công nghệ thông tin và đã làm chủ được các công nghệ “hot”. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam và Mỹ giờ đây coi Việt Nam là một “đối tác quan trọng trong khu vực”. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, như Intel, Samsung; với hàng loạt dự án từ hàng trăm triệu USD đến cả tỷ USD để đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam. Một số doanh nghiệp Nhật Bản - khách hàng của chúng tôi cũng muốn đầu tư mạnh hơn nữa tại Việt Nam
Điều này cho thấy đã đến lúc thế giới cần Việt Nam
Thế giới cần và Việt Nam sẵn sàng đáp ứng, phải không thưa ông? Đó có phải là lý do mà gần đây, FPT liên tục xuất hiện trong cuộc gặp với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực AI, bán dẫn, đã thực hiện các thương vụ M&A, ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty lớn, tự mình thành lập công ty về bán dẫn, đi đầu trong nghiên cứu về AI và mở thêm chuyên ngành đào tạo về bán dẫn. Phải chăng, sau 35 năm phát triển, FPT lại đang tiếp tục nuôi một giấc mơ lớn?
Ngay từ ngày đầu thành lập, FPT đã có một khát vọng, bằng lao động sáng tạo trong khoa học -công nghệ góp phần hưng thịnh quốc gia. 35 năm qua, chúng tôi chưa bao giờ ngưng khát vọng này
Như tôi đã nói, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của các doanh nghiệp công nghệ, công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới. Thời khắc của dân tộc đã điểm. Việt Nam là quốc gia được chọn để tham gia toàn trình trong hệ sinh thái bán dẫn của thế giới. Hơn thế nữa, Việt Nam sẽ đi tiên phong trong sản xuất chip thế hệ mới - AI chip. Dựa trên AI chip, Việt Nam sẽ tiên phong sản xuất thiết bị điện tử AI, hình thành kinh tế AI. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia AI. Chuyển đổi AI sẽ là điểm tựa để Việt Nam thành công trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, xây dựng kinh tế tuần hoàn. Tương lai đất nước chưa bao giờ “sáng” như hôm nay
Để viết tiếp khát vọng góp phần hưng thịnh quốc gia, chúng tôi tiếp tục nuôi những giấc mơ lớn. Giấc mơ đó là tập trung vào AI, là chip bán dẫn, là công nghệ phần mềm ô tô, là phát triển nguồn nhân lực số, góp phần đưa Việt Nam lên đỉnh cao mới
Vậy chúng tôi sẽ làm gì? Câu trả lời là AI, Automotive và chip bán dẫn sẽ là đầu tàu dẫn dắt FPT bước lên đỉnh cao mới, với những hợp đồng quy mô tỷ USD, những thị trường tỷ USD, những chuyên ngành tỷ USD. FPT sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Data Center theo “cơn sốt” AI, dữ liệu. Chúng tôi sẽ đưa AI vào tất cả các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ Made by FPT. Chúng tôi cũng đang nghĩ tới việc dùng AI phát triển chip và phát triển các loại chip AI
Để chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai của đất nước, Tổ chức Giáo dục FPT sẽ xây dựng một chuẩn mực mới trong hệ thống giáo dục, không chỉ ở Việt Nam mà đặc biệt vươn tầm thế giới: về AI, chip và hạnh phúc
Chúng tôi đang trao đổi về việc hợp tác với NVIDIA để đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới, để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và AI, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính...
Nghe ông chia sẻ giấc mơ của FPT, tôi chợt nhớ đến điều mà ông Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến đầu tư Đài Loan đã nói, đó là ông ấy nhìn thấy “hình bóng” của của các nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Đài Loan trong FPT. Ông ấy nói, các doanh nghiệp của Đài Loan, nhiều năm trước đây, cũng đã bắt đầu với ngành bán dẫn như FPT bây giờ… Điều này thực sự có ý nghĩa rất lớn, bởi Việt Nam cũng đang mong muốn trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu, giống như Đài Loan hiện nay. FPT sẽ đồng hành với khát vọng lớn của Việt Nam như thế nào?
Do những thách thức trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, các công ty đang cần tìm một quốc gia an toàn, có chính trị ổn định, kinh tế phát triển bền vững và có mối quan hệ hợp tác chiến lược với các cường quốc, có nguồn nhân lực dồi dào về công nghệ, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái về AI và bán dẫn
Việt Nam đã trở thành trung tâm kỹ thuật số toàn cầu mới nổi, là ngôi nhà thứ hai của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và đang được đánh giá là có nhiều tiềm năng để phát triển ngành bán dẫn. Trên thực tế, đã có hơn 40 công ty ở Việt Nam đang làm trực tiếp đến ngành IC design. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đứng thứ ba về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việt Nam đang dần quy tụ nhiều nhà máy sản xuất chuyển dịch từ Trung Quốc sang. Số lượng chip tiêu thụ trong thời gian tới sẽ còn tăng trưởng nhiều hơn
Vị Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã nói rằng: “Trên cái áo tương lai bạn mặc có số chip lớn hơn số chip bạn dùng suốt cuộc đời mình”. Mọi vật đều trở nên thông minh hơn, tất cả đều gắn chip, ứng dụng AI. Sẽ là nhu cầu lớn không thể tưởng tượng được. Nếu chúng ta có 8 tỷ người thì nhu cầu chip là nhiều trăm tỷ. Khủng khiếp
Để chớp cơ hội lớn chưa từng có này, FPT sẽ đào tạo một lực lượng lao động hùng hậu về AI, về bán dẫn, về điện tử, về kỹ thuật ô tô để phục vụ công cuộc chuyển đổi AI, không chỉ cho riêng Việt Nam, mà cả cho thế giới. Chúng tôi cũng sẽ tập trung các dòng chip đang làm (chip nguồn - power management IC) và cả những dòng chip mới chưa thực sự thông dụng trên thị trường (chip IPD trong các ứng dụng Automation hoặc các dòng chip mới có sự kết hợp với AI)
Chúng tôi sẽ đồng hành cùng đất nước trong hành trình đưa Việt Nam trở thành một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn
Ông mới đây đã chia sẻ về con đường “từ tay trắng đến tập đoàn toàn cầu” của FPT. Đó là một con đường mà chắc hẳn rất nhiều doanh nghiệp Việt muốn trải qua và đạt được. Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, muốn xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dân tộc, với nòng cốt là các tập đoàn lớn như FPT. Vì thế, điều mà nhiều người mong đợi, đó là ông hãy truyền lửa khát vọng cho các thế hệ doanh nhân tiếp theo…
Tôi tin rằng, một dân tộc từng dùng máu của mình chiến thắng nhiều cường quốc và giành lại độc lập tự do thì không có lý do gì thế hệ ngày nay không tiếp tục thực hiện được khát vọng phồn vinh cho dân tộc, đặc biệt là tầng lớp doanh nhân - lực lượng quan trọng, gánh vác sứ mệnh làm giàu đất nước
Thời khắc của dân tộc đã điểm và đã đến lúc thế giới cần đến Việt Nam. Các thế hệ doanh nhân hãy cùng chung sức đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, sánh vai cùng các cường quốc năm châu
Last edited: