What's new
Vietnam - Điện Biên Phủ Kinh Tế

This is a sample guest message. Register a free account today to become a member! Once signed in, you'll be able to participate on this site by adding your own topics and posts, as well as connect with other members through your own private inbox!

Bình Dương - Điện Biên Phủ Kinh Tế

ThinkTank.vn

Administrator
Tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch)

Tỉnh Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.
Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Quyết định nêu rõ mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại

Mục tiêu cụ thể về kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 15.800 USD

Dân số đến năm 2030 đạt 4,04 triệu người (trong đó dân số chính thức 3,48 triệu người; dân số quy đổi 0,56 triệu người)

Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển

Theo đó, Bình Dương cần phối hợp với các chương trình phát triển của quốc gia, của Vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận thực hiện mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước)

Chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thông qua đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ hiện đại, cùng với chuyển đổi số rộng rãi trong sản xuất và điều hành, nâng cao chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng

Đồng thời, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài

Phát triển xanh hóa nền kinh tế (sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, hạ tầng xanh, đô thị xanh, nông thôn xanh, môi trường...) nhờ sự dẫn dắt của khoa học và công nghệ, từ đó tạo dựng một nền kinh tế hài hòa giữa con người với tự nhiên và xã hội

Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ phân vùng phát triển toàn tỉnh thành 3 khu vực không gian động lực

Khu vực 1 (gồm TP Thuận An và TP Dĩ An): thực hiện tái thiết, cải tạo đô thị; di dời các cơ sở sản xuất, công nghiệp lạc hậu, ô nhiễm môi trường lên phía Bắc của tỉnh

Khu vực 2 (gồm TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, TP Bến Cát và huyện Bàu Bàng): phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến, dịch vụ cộng đồng cấp Vùng và đô thị thông minh làm trụ cột cho tăng trưởng của tỉnh

Khu vực 3 (gồm các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái. Bảo tồn và phát triển các hành lang sinh thái sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính…

Phát triển các khu đô thị, dịch vụ mới tại Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, tạo dư địa để từng bước tái phát triển khu vực đô thị hiện hữu, dịch chuyển các hoạt động logistics Vùng lên khu vực dọc Vành đai 4 - vùng TP HCM ; phát triển mạng lưới giao thông công cộng Vùng, tỉnh và đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)
 
Bình Dương quyết tâm xây dựng dự án Khu CNTT tập trung

Sáng ngày 26/8/2024, Đoàn công tác tỉnh Bình Dương do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT để thảo luận về đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin (CNTT) tập trung tại Bình Dương. Thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT


Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo với Bộ TT&TT, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương là một tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển khoa học công nghệ, có vị trí địa lý chiến lược và nền tảng công nghiệp hơn 25 năm, có tiềm năng lớn để phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh chuyển đổi từ trung tâm sản xuất công nghiệp truyền thống sang hệ thống sản xuất và nghiên cứu tập trung vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Khu CNTT tập trung Bình Dương sẽ được phát triển với sự liên kết toàn vùng Đông Nam Bộ, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp CNTT trong toàn vùng


Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, khu vực Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động địa chính trị đến sự cạn kiệt các nguồn phát triển truyền thống. Vì vậy, việc đầu tư khoa học công nghệ vào Bình Dương được coi là giải pháp quan trọng để tạo sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng thay đổi của thị trường toàn cầu. Do đó, việc quy hoạch một hệ sinh thái khoa học công nghệ tại Bình Dương không chỉ là một chiến lược mà còn là một yêu cầu cấp thiết

Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông Nguyễn Khắc Lịch cho biết, Cục đã phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Bình Dương để bổ sung định hướng phát triển khu CNTT tập trung vào quy hoạch hạ tầng ngành TT&TT và quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2050. Trong quá trình trao đổi, Cục đánh giá việc triển khai thành lập Khu CNTT tập trung Bình Dương là khả thi và có đầy đủ cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Bình Dương cũng cần xem xét để dự án đảm bảo phù hợp với quy hoạch của Ngành và của Tỉnh để việc đầu tư đúng quy định và dài hạn

Phát biểu thể hiện sự ủng hộ đối với các địa phương trong việc xây dựng đề án thành lập các khu CNTT tập trung, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khẳng định sẽ thu thập ý kiến từ các bộ ngành liên quan, sau đó tổng hợp và gửi lại cho tỉnh để hoàn thiện đề án trước khi trình lên Chính phủ


Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng đánh giá cao sự phối hợp giữa các sở, ngành của tỉnh Bình Dương và Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông trong việc xử lý đề xuất. Ông khẳng định rằng Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Bình Dương để đề án được phê duyệt đúng theo tiến độ mà tỉnh mong muốn


Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao sự phối hợp và đồng hành của Bộ TT&TT đối với việc xây dựng khu công nghiệp tập trung của Bình Dương. Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cam kết sẽ chỉ đạo các ban ngành của tỉnh, đặc biệt là Sở TT&TT, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện đề án này

Thu Hương
 
Mỗi doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Để ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và mất đi lợi thế cạnh tranh, Bình Dương phải hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW; từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo

Thông điệp trên được ông Nguyễn Văn Lợi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đưa ra tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương, ngày 10/2

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1830–QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Dương

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu dự thảo các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo tỉnh; Quyết định thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; Chương trình thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh và các văn bản khác có liên quan

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận cho ý kiến cụ thể về đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn cấp tỉnh; thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; một số mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp; dự thảo Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, cho biết Nghị quyết số 57–NQ/TW đánh dấu cột mốc quan trọng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tạo động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay

Để ngăn chặn nguy cơ tụt hậu và mất đi lợi thế cạnh tranh, Bình Dương phải hiện thực hóa Nghị quyết số 57–NQ/TW; từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp phải thực hiện chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo

Tỉnh phải dành nguồn lực đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng…

Ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, sau cuộc họp, tỉnh phải kiện toàn Ban Chỉ đạo; xúc tiến thành lập Hội đồng tư vấn cấp tỉnh. Căn cứ một số mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương để đề ra những nhiệm vụ chỉ tiêu của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030 cùng với những chương trình đột phá của Bình Dương theo tinh thần đổi mới sáng tạo

Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động với những nhiệm vụ cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra…

Về chuyển đổi số, năm 2024, Bình Dương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Dương. Thành lập Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương

Ra mắt Hệ thống phòng họp không giấy tập trung của tỉnh; Hệ thống định danh, xác thực điện tử (SSO); Hệ thống an toàn thông tin theo cấp độ

Bình Dương cũng đưa vào vận hành hoạt động của 4 trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Phối hợp tổ chức Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II tại Bình Dương

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành tỉnh Bình Dương được xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 100% hồ sơ cấp độ an toàn thông tin của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt

Tỷ lệ thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt 78,41%. Chữ ký số công cộng dành cho người dân lũy kế đến nay được 156.993 chữ ký số

Trung tâm Giám sát, điều hành (IOC) tỉnh Bình Dương đã tích hợp và quản lý dữ liệu từ 100% sở, ban, ngành, đồng thời kết nối, thu thập và chia sẻ thông tin hiệu quả với các IOC cấp huyện

Bình Dương cũng đã đưa vào sử dụng ứng dụng Chính quyền Số, Bình Dương Số để phục vụ chính quyền, người dân và doanh nghiệp
 
Top